Nhiều người bắt đầu con đường kinh doanh cho mình với mơ ước được giàu có và tự do. Mơ ước này hoàn toàn có khả năng đạt được. Trở thành một chủ doanh nghiệp sẽ cho bạn nhiều thứ, nhưng bạn cũng sẽ phải chấp nhận mất đi một số thứ mà bạn đang cảm thấy thoải mái. Bạn sẽ không phải chịu đựng những ông sếp khó tính, những đồng nghiệp phiền hà, những chỉ đạo lập dị, thời gian lệ thuộc và số tiền kiếm được bị hạn chế. Thay vào đó, bạn sẽ có quyền lực, sự độc lập, sáng tạo trong công việc, tự mình nắm bắt cơ hội và hưởng toàn bộ thành quả do mình tạo ra. Nhưng mặc trái của nó là bạn cũng sẽ mất đi đồng lương ổn định và một số phúc lợi về y tế, xã hội. Bạn sẽ phải làm việc vất vả cho đến khi tạo được một hệ thống kinh doanh có khả năng tự hoạt động mà không cần phải có sự hiện diện của bạn hoặc chí ít là với sự can thiệp tối thiểu. Bạn có khả năng bị trắng tay, không có thu nhập cũng như không còn một sự bảo trợ nào hết. Một cuộc sống an toàn, thoải mái và ổn định đánh đổi với một cuộc sống năng động nhưng không chắc chắn và đầy rủi ro.
Những mặt được khi trở thành chủ doanh nghiệp làm cho bạn háo hức bắt đầu kinh doanh, nhưng cái giá phải trả của nó sẽ khiến bạn phải e dè, nhụt chí. Vì vậy, bạn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trược khi quyết định trở thành một chủ doanh nghiệp.
Những lợi ích đạt được khi trở thành một chủ doanh nghiệp:
- Khả năng tự kiểm soát được công việc: Dù bạn có thích sếp hay công việc hiện tại của mình hay không thì bạn vẫn có khả năng bị sa thải bất cứ lúc nào. Sếp mà bạn rất tâm đắc, quý trọng có thể chuyển công tác, công ty bạn đang làm có thể bị phá sản. Vì vậy, một trong những lợi ích khi bắt đầu công việc kinh doanh của chính mình là bạn hoàn toàn kiểm soát được công việc và sự nghiệp của mình. Nhưng bạn cũng nên nhận biết rằng khả năng tự kiểm soát này sẽ đi đôi với sự gia tăng trách nhiệm và một loạt những yêu cầu khác. Với cương vị là sếp, bạn không thể né tránh, đổ trách nhiệm cho người khác. Bạn chính là người phải trả lương cho nhân viên của mình. Bạn chính là người phải đảm bảo doanh nghiệp của mình mang lại sự thoả mãn cho khách hàng. Bạn chính là người đi thuê và sa thải nhân viên. Đây không phải là những việc dễ dàng và chắc rằng phải có đôi lần bạn thèm muốn được trở về cái thời mình đi làm công cho người khác, thời mà bạn có ít trách nhiệm và khả năng kiểm soát hơn.
- Tiền bạc: nhiều người bắt đầu kinh doanh với một lý do đơn giản là họ nghĩ rằng mình xứng đáng kiếm được nhiều tiền hơn hiện tại hoặc muốn có sự thay đổi để mang lại cuôc sống khá giả hơn cho gia đình. Thường thì luôn có giới hạn về số tiền kiếm được khi bạn là người làm công ăn lương. Một tin tốt lành là nếu bạn trở thành chủ doanh nghiệp, trở thành sếp thì giới hạn này gần như không còn. Đây là mặt tốt, nhưng cũng có thể là xấu, bạn có thể có cả một gia tài hoặc là bị vỡ nợ. Sự không chắc chắn này chính là điều chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt nếu khởi sự kinh doanh.
- Sự sáng tạo và độc lập: nếu bạn cảm thấy uể oải với công việc hiện tại của mình thì bạn sẽ không còn cảm giác này khi bắt đầu kinh doanh. Việc điều hành công việc kinh doanh buộc bạn trở thành một phù thủy am hiểu mọi thứ từ tiếp thị, bán hàng, kế toán, thư ký cho đến điều hành. Công việc đa dạng và vất vả. Nhưng có thể bạn sẽ không bận tâm về điều này. Khi làm công việc kinh doanh của chính mình, bạn ít khi có cảm giác rằng đó là công việc vì không ai bảo bạn phải làm việc đó cả, bạn tự nguyện và vui vẽ.
- Sự tự do: Làm việc trong chính doanh nghiệp của mình cho phép bạn linh hoạt lựa chọn thời gian và địa điểm làm việc. Sự tự do khi trở thành ông chủ của chính mình, không ai bảo bạn phải làm gì, làm như thế nào, là thứ tuyệt vời nhất khi trở thành chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bạn cần phải cân nhắc đến một số thử thách chắc chắn sẽ phải đối mặt khi trở thành chủ doanh nghiệp:
- Sự không chắc chắn: Khi kinh doanh cho chính mình là không có nguồn thu nhập đều đặn, ổn định; không có lương và các khoản phúc lợi hàng tháng.
- Rủi ro: Sẵn sàng đón nhận một rủi ro có tính toán. Bạn có thể kiếm hàng đống tiền, nhưng cũng có thể bị trắng tay khi kinh doanh.
- Thiếu tính khuôn khổ: Công việc bất thường, luôn thay đổi và không thể dự đoán được.
Bạn có thể bị mê muội với ý tưởng làm chủ doanh nghiệp. Muốn thành công, bạn cần phải làm đúng, bạn cần phải loại bỏ cảm xúc ra khỏi sự toan tính của mình. Bạn cần phải bắt đầu suy nghĩ như là một thương nhân, xem xét đánh giá rủi ro và ra những quyết định sáng suốt.
Lựa chọn con đường làm công ăn lương vẫn hàm chứa rất nhiều rủi ro và không hề an toàn chút nào. Có rất nhiều biến cố khiến cho bạn không thể tiếp tục công việc hiện tại. Đồng tiền mà bạn dành dụm, tích góp trong quá trình làm công ăn lương sẽ bị mất giá theo thời gian do lạm phát. Các nguồn quỹ hưu trí mà bạn tham gia vẫn có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào trước khi bạn về hưu. Khi làm công ăn lương, vẫn không có gì đảm bảo cuộc sống của bạn cho đến cuối đời, mà ngược lại, bạn hoàn toàn không thể chủ động được trước những biến cố có thể xảy ra vì bạn đã quen với lối sống thụ động, an nhàn. Trong thời đại này, nếu bạn không năng động tiếp thu những cái mới, xã hội chắc chắn sẽ đào thải bạn, đây là rủi ro gần như chắc chắn nếu như bạn cứ hài lòng với công việc hiện tại. Còn nếu bạn năng động tích cực làm việc, rèn luyện bản thân để thăng tiến trong công việc thì liệu bạn có thể nỗ lực, cố gắng trong bao lâu, cho đến khi nào? Nếu đã như vậy, tại sao bạn không nỗ lực làm giàu cho bản thân mà lại đi làm giàu cho người khác? Đặc biệt, nếu bạn nỗ lực đúng hướng, tạo ra được những tài sản mang lại thu nhập cho mình, khi đó, bạn mới thật sự được an nhàn. Hệ thống kinh doanh chính là một tài sản sinh ra thu nhập tốt nhất, xứng đáng để bạn bỏ công sức, thời gian và chấp nhận rủi ro để gầy dựng.