29 thg 7, 2013

Cần cẩn trọng khi đầu tư vào bất động sản khát vốn


Đã có một số chủ đầu tư hạ giá khá “sốc” đối với dự án của mình để thu hút các nhà đầu tư và người mua nhà. Tuy nhiên, khi đầu tư vào các dự án này các nhà đầu tư cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.


Theo công ty nghiên cứu, tư vấn BĐS CBRE Việt Nam, một góc nhìn đầu tư không thể không đề cập đến vào thời điểm hiện nay chính là BĐS khát vốn. Loại hình này đang tiếp tục tồn tại trên thị trường Việt Nam, với nhiều dự án tồn đọng trong hơn 12 tháng qua. Trên thị trường cũng xuất hiện nhóm các nhà đầu tư cơ hội tìm kiếm các BĐS đang khát vốn.

Tuy vậy, CBRE Việt Nam cũng khuyến cáo với tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang căng thẳng và chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc khơi thông dòng tiền thì các nhà đầu tư cần phải lưu ý khi tiếp cận những BĐS đang khát vốn này, dù cho tiếp cận dưới hình thức nào. Đặc biệt là đối với các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường thì nên “cẩn tắc vô ưu” vì hình thức đầu tư này sẽ vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro.


Thống kê sơ bộ của hơn 60 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội và Tp.HCM mới đây, hiện lượng hàng tồn trị giá hơn 84.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 46% tổng tài sản của các doanh nghiệp này. Tồn kho nhiều cũng đang khiến cho tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp BĐS ở thế vô cùng nguy ngập, khó có thể tiếp tục thực hiện được các dự án đã có trong kế hoạch hoặc đang thi công dở dang.

Khảo sát tại thị trường Hà Nội đang có hàng chục dự án chung cư trong tình trạng “đắp chiếu” hoặc thi công cầm chừng do chủ đầu tư thiếu vốn. Trong khi việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng vào thời điểm này là điều gần như không tưởng. Theo ông Trần Văn Tần - Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng, NHNN Việt Nam, do các ngân hàng lo ngại nợ xấu tăng lên nên việc thẩm định và cho vay vốn phải thực hiện chặt chẽ và thận trọng hơn nhiều, đặc biệt đối với lĩnh vực BĐS.

Khát vốn, các chủ đầu tư đang tìm mọi cách “cầm cự”, “vớt vát” dự án, trong đó có cả nỗ lực liên kết với các doanh nghiệp bán vật tư, vật liệu xây dựng theo hình thức hàng đổi hàng (đổi vật liệu lấy m2 căn hộ) để tiếp tục có nguyên liệu thi công công trình.

Tuy nhiên, hình thức liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, nguy cơ đổ vỡ không phải không có. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng thừa nhận, không mấy mặn mà vì cho rằng bản thân họ không có “nghiệp vụ” kinh doanh BĐS. Nắm trong tay một lượng diện tích căn hộ rồi, chắc gì họ đã bán lại được để thu hồi vốn. Bởi vậy, liên kết với các dự án khát vốn như thế này cũng đồng nghĩa với việc họ đang tham gia một hình thức đầu tư nhiều rủi ro, do đặc điểm thị trường hiện tại (tồn kho cao, giá ở xu hướng giảm) đem lại.

Cũng đã có một số chủ đầu tư hạ giá khá “sốc” đối với dự án của mình để thu hút các nhà đầu tư và người mua nhà. Nhìn ở xu hướng chung của thị trường thì việc giảm giá mạnh để có nguồn tiền thật (chứ không phải giữ giá trị ảo) để tái đầu tư các dự án có tính thanh khoản cao hơn thực sự là giải pháp hữu hiệu của các doanh nghiệp BĐS.

Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng, không phải dự án có giá giảm mạnh nào cũng đều tốt cả và đáng để đầu tư. Các nhà đầu tư khi có ý định đầu tư vào những dự án này cũng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về chủ đầu tư, đặc biệt là năng lực tài chính và uy tín của chủ đầu tư, thông tin về dự án, trước khi đưa ra quyết định liệu có nên đầu tư vào hay không. Tránh trường hợp tiền của nhà đầu tư bị chiếm dụng là hoàn toàn, hoặc thua lỗ nếu thị trường không khởi sắc ít nhất trong trung hạn.
BÀI 87
NHỮNG YẾU TỐ CẦN CÂN NHẮC TRONG KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN HIỆN NAY

Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tế thị trường BĐS, những người có nhu cầu muốn mua bất động sản tại thời điểm này cần cân nhắc hai yếu tố về tính pháp lý của một dự án và năng lực của chủ đầu tư.

Theo đánh giá của ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 thị trường bất động sản tiếp tục gặp rất nhiều bất ổn, giá cả sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường, số lượng giao dịch giảm mạnh.

Rất nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, có những doanh nghiệp trên bờ phá sản. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động của khách hàng là chủ yếu.

Nguyên nhân của sự suy giảm này là do ảnh hưởng suy giảm chung của toàn cầu. Bên cạnh đó, thiếu kiểm soát nguồn cung dẫn tới quá dư thừa về nguồn cung . Quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay của Ngân hàng, thiếu các công cụ tài chính trung và dài hạn phi ngân hàng. Ngoài ra, tính quản trị rủi ro của doanh nghiệp yếu

Việc thực hiện chính sách chống lạm phát theo Nghị quyết 11 Chính phủ đã dẫn đến thặt chặt chính sách tiền tệ và từ đó nguồn vốn từ Ngân hàng đã sụt giảm đáng kể. Điều này đã ảnh hưởng tới việc thiếu hụt nguồn vốn trong thị trường cung và cầu

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không đủ khả năng trả nợ các khỏan vay bắt buộc phải bán bất động sản của mình đang nắm giữ bằng giá thành đầu tư thậm chí còn thấp hơn giá thành, do vậy giá bất động sản đặc biệt bất động sản là nhà ở tại thời điểm này đang là giá rất thuận lợi cho những người có nhu cầu thực về nhà ở.

Đó là chưa kể việc, mua nhà tại thời điểm này khách hàng sẽ được lựa chọn nhiêu chương trình ưu đãi. Giảm giá là điều hết sức tự nhiên trong cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp, nhất là ở khu vực phía nam, đã mạnh dạn áp dụng việc giảm giá này từ rất lâu, khoảng 2-3 quý trước. Thậm chí có những doanh nghiệp đã giảm giá căn hộ đến tay người tiêu dùng ở dưới mức giá thành sản xuất.

Ví dụ có những căn hộ có giá bán chỉ từ 9-12 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiệu quả của việc giảm giá cũng rất hạn chế, thường chỉ có tác dụng trong từng thời điểm. Vì tâm lý khách hàng có xu hướng mong đợi giá bất động sản thấp hơn nữa, nhất là cho phân khúc bất động sản trung – cao cấp.

Dù vậy, có một mảng sáng trong thị trường là nhu cầu nhà thương mại dành cho người có thu nhập thấp (giá bán từ 12-14 triệu đồng/m2) vẫn phát triển rất tốt. Do đó, nếu doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển mảng thị trường này thì vẫn có thể tăng trưởng tốt.

Việc đầu tư lúc này là việc nên làm vì các chính sách điều chỉnh của Chính phủ và ngành tài chính ngân hàng là các chính sách dài hạn, nhằm đem đến sự ổn định cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, những người có nhu cầu thực sự nếu muốn mua bất động sản tại thời điểm này cần cân nhắc hai yếu tố về tính pháp lý của một dự án bất động sản và năng lực của chủ đầu tư.
Dẫu vậy, theo một số chuyên gia, không phải dự án có giá giảm mạnh nào cũng đều tốt cả và đáng để đầu tư. Các nhà đầu tư khi có ý định đầu tư vào những dự án này cũng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về chủ đầu tư, đặc biệt là năng lực tài chính và uy tín của chủ đầu tư, thông tin về dự án, trước khi đưa ra quyết định liệu có nên đầu tư vào hay không. Nếu không, nguy cơ tiền của nhà đầu tư bị chiếm dụng là hoàn toàn có thể xảy ra, hoặc thua lỗ nếu thị trường không khởi sắc ít nhất trong trung hạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét